Đã bao lâu rồi bạn không nhận được thư hay đơn giản là một tấm thiệp viết tay? Và đã bao lâu rồi bạn chưa viết một lá thư hay một tấm thiệp cho ai đó? Hay (tệ hơn), đã bao lâu rồi bạn không viết (không thể viết được) một thứ gì đó và chia sẻ cảm xúc của mình với ai đó?
Nhận thư hay nhận quà với một tấm thiệp viết tay là một niềm vui! Tôi nhớ hồi còn là học sinh cuối cấp một, cấp hai vào những dịp như 8/3 bọn con trai chúng tôi thường mua những tấm thiệp và viết những lời chúc rồi tặng cho cô giáo, bạn gái trong lớp. Lớn hơn nữa, năm nhất Đại học, tôi ở ký túc xá, hồi đó điện thoại di động chưa nhiều như bây giờ nên liên lạc vẫn là thư từ.
Tôi đã viết thư cho nhà, cho những người bạn, người thân ở quê nhà, bằng cả sự trải lòng, chia sẻ. Tất nhiên, thư đi và mong những lá thư hồi âm là một mong chờ mang tên thú vị. Bạn sẽ vỡ òa khi có anh trưởng nhà (ký túc xá) gọi tên mình và trao thư cho bạn. Để rồi, có những lá thư bạn sẽ đọc đi, đọc lại nhiều lần, nét chữ thân thương đó khiến mình nhớ người mình thân-thương, bằng cả sự chân thành dành cho người ấy.
Những lá thư kể về chuyện học, chuyện yêu, nói cảm xúc và không quên hỏi thăm sức khỏe, hẹn ngày gặp lại và khuyến khích thi cử thiệt tốt... vẫn được tôi lưu giữ trong ngăn hoài niệm của mình. Dẫu đã nhiều lần chuyển tới chuyển lui, nhưng những lá thư vẫn được tôi xếp gọn gàng, giữ gìn, trân quý. Trân quý những lá thư - là trân quý tình cảm người ta dành cho mình, nắn nót những con chữ gửi tới mình. Bạn mình thuở đó, có thể bây giờ không liên lạc nhiều, không ở gần nhau, nhưng lá thư với thời điểm được viết và gửi đi cho mình là minh chứng của tình thương, sự quan tâm họ dành cho mình (lúc đó).
Chính vì vậy mà thi thoảng, lục giở lại những lá thư, đọc lại những dòng xưa cũ đó vẫn rưng rưng, thương quá chừng chừng. Tôi nghĩ, khi mình viết thư mình sẽ nói được những điều mình muốn nói mà khó nói (trực tiếp). Tất nhiên, nếu nói trực tiếp, trong nhiều chuyện sẽ tốt hơn là dùng thư, nhưng thư vẫn có ý nghĩa rất riêng và thật cần thiết.
Tại sao lại không viết thư ? Dù công nghệ có phát triển bao nhiêu thì những lá thư cũng là phương tiện kết nối khiến ta cảm động nhất, bên cạnh những tin nhắn yêu thương bất chợt giữa sớm mai thức giấc hay khi ta đã chui vào yên ấm trong chăn, chuẩn bị... khò khò.
Viết thư và viết một điều gì đó ra, viết được ra là hạnh phúc. Hạnh phúc khi thể hiện dòng suy nghĩ của mình bằng con chữ, dù biết con chữ đôi khi vụng về - không thể đủ sức toát lên tình thương hay xúc cảm của mình đối với ai đó, với điều gì đó, nhất là khi điều đó thật gần gũi, thiêng liêng.
Có nhà thơ đã tự trách mình rằng, đã làm thơ cho bao người con gái mà thơ cho mẹ vẫn còn bỏ ngỏ. Không phải vì quên mà có lẽ, ngôn từ về mẹ khó để tả cho trọn cái ơn mà dân gian ví "như núi Thái Sơn, như nước nước trong nguồn".
Hãy viết thư cho ai đó (thiệt đó), để ôn lại thời sinh viên nếu bạn từng sống trong khoảng thời gian mà thư là phương tiện liên lạc, chuyển tải yêu-thương, nhung nhớ chủ yêu. Viết để nắn nót con chữ, để kiên nhẫn đợi chờ thư đến và hồi âm. Để trái tim mình biết sự hồi họp cũng như có thể rung động trở lại - những nhịp rung ngỡ như xưa cũ, lạc hậu nhưng thấm đẫm, nhân văn.
Ngày nay, việc viết thư hay tặng thiệp có vẻ như đang dần lãng quên. Một món quà nhỏ kèm theo một tấm thiệp hay một mẩu giấy nhỏ viết tay kèm theo thì tôi chắc rằng người nhận sẽ rất vui , giữ lại những mẩu giấy, tấm thiệp đó như một chút kỷ niệm rồi có khi sẽ đọc lại rồi mỉm cười.
Và, hãy viết một thứ gì đó, đừng tự ti vì mình không chuyên, ít chữ. Viết hay không phải chỉ là năng khiếu, mà còn là ở những rung cảm chân thành khi ta chân thật muốn thể hiện cho chính mình và ai đó. Khi đó, những điều mình viết dẫu ngắn, có khi không hay lắm đâu, nhưng sẽ đi vào tim họ, vì tâm-truyền-tâm mà, phải không?
Nguồn: Sưu tầm